Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo

DLA

Ra đời cách đây hơn 10 năm, từ cơ sở vật chất ban đầu còn đơn sơ, đến nay, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp (KTCN) Long An đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học khá hiện đại với đầy đủ phòng học, thiết bị công nghệ, thư viện điện tử, trung tâm ngoại ngữ- tin học, cơ sở thực hành...(với số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, vượt 200- 300% với cam kết xây dựng ban đầu), đáp ứng yêu cầu đào tạo nhiều chuyên ngành thuộc các ngành đào tạo: Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kế toán, Quản trị -Kinh doanh, Tài chính- Ngân hàng, Tiếng Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường trên 300 người và trên 200 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có nhiều giảng viên có học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy từ các trường đại học TP. Hồ Chí Minh tham gia giảng dạy tại trường. Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa trường Đại học KTCN Long An với các trường đại học ngoài công lập khác trong vùng.

Trao bằng thạc sĩ trong ngày khai giảng năm học 2018-2019
Trao bằng thạc sĩ trong ngày khai giảng năm học 2018-2019

Với những điều kiện được đầu tư cơ bản nói trên, trong những năm qua, quy mô đào tạo của trường khá ổn định với gần 10.000 học sinh, sinh viên (HSSV) và đã có hơn 10.000 HSSV tốt nghiệp ra trường, trong đó trên 83,12% đã có việc làm (Danh sách chi tiết đăng trên Website của trường). Song song đó Trường cũng đang đào tạo gần 1.000 học viên Cao học và có gần 1.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Long An và các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt là tạo điều kiện cho nhiều học sinh thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh được học cao đẳng, đại học, điều mà trước đây là khó thực hiện.

Việc thành lập Trường Đại học KTCN Long An đã thu hút một số lượng khá lớn học sinh vào học, góp phần nâng tỷ lệ sinh viên (SV) cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) của tỉnh từ 120SV/1 vạn dân vào năm 2010 lên 162SV/1 vạn dân vào năm 2013 và đến năm 2017 Long An đạt 187SV/ vạn dân.

Sinh viên nước ngoài giao lưu cùng sinh viên DLA
Sinh viên nước ngoài giao lưu cùng sinh viên DLA

Xác định chất lượng giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ chiến lược, là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhà trường, bên cạnh việc chăm lo các điều kiện để nâng cao chất lượng (cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, cải tiến việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học...), ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đều tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ HSSV làm cơ sở cho việc tổ chức bồi dưỡng một cách phù hợp. Các lớp bồi dưỡng về kiến thức cơ bản, về ngoại ngữ (Tiếng Anh), Tin học, kỹ năng mềm, phương pháp học tập ở đại học...được thực hiện miễn phí ngay từ năm học đầu tiên đã giúp cho HSSV được củng cố kiến thức, nhanh chóng tiếp cận với chương trình đào tạo chính khóa. Việc bồi dưỡng cho HSSV không chỉ được tổ chức vào đầu khóa học mà còn được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo và ngay sau khi SV thi tốt nghiệp (đối với SV chưa đạt chuẩn đầu ra ở một môn nào đó) để đảm bảo chất lượng như chính sách chất lượng nhà trường đã đề ra.

Thực hiện việc phân hóa trong quá trình đào tạo, bên cạnh tăng cường việc bồi dưỡng cho HSSV nhằm củng cố, nâng cao “chất lượng đại trà”, trường đã xây dựng là triển khai thực hiện “Mô hình đào tạo Kỹ sư, Cử nhân sáng tạo” nhằm giúp cho SV khá, giỏi có điều kiện và cơ hội rèn luyện và phát huy khả năng sáng tạo. Chương trình được thiết kế và xây dựng bao gồm chương trình đào tạo chuẩn và bổ sung một số kiến thức như: Sơ đồ tư duy, hệ thống thông tin thông minh, phương pháp tìm kiếm và khai thác dữ liệu, phương pháp làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề, phương pháp làm đồ án chuyên ngành, khóa luận tốt nghiệp, kiến thức và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học... Chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân sáng tạo được triển khai thực hiện đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với người dạy và HSSV, đồng thời có sức lan tỏa làm chuyển biến đến chất lượng đào tạo chung của toàn trường.

Nhận thức được yêu cầu đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, trường đã thành lập lập bộ phận hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho sinh viên và có kế hoạch thường xuyên liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động, giới thiệu việc làm, phối hợp tổ chức hoạt động “Ngày hội việc làm”. Trường cũng đã thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục, ươm mầm công nghệ Lê Đình để tạo việc làm cho sinh viên và thực hiện chủ trương khởi nghiệp, ươm trồng và phát triển doanh nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường. Với những nỗ lực như trên, tình hình việc làm đối với HSSV ra trường đã có chuyển biến đáng kể, nhiều SV có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo và đang phát huy tốt khả năng trong công việc. Đây là nguyên nhân trong nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của trường đạt kết quả khá tốt trong tình hình các trường ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trường đang xúc tiến để mở thêm các ngành đào tạo mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và nhu cầu của xã hội, để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, đồng thời góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các ngành, lĩnh vực liên quan.

Hơn 10 năm, khoảng thời gian quá ngắn so với quá trình hình thành và phát triển của một trường đại học, song những gì mà Trường Đại học KTCN Long An đã làm được đã khẳng định bước đi đúng đắn trong chiến lược phát triển của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa –hiện đại hóa của tỉnh và các địa phương lân cận. Mục tiêu định hướng đến 2023, Trường Đại học KT-CN Long An phấn đấu trở thành top 100 trong các trường đại học trong nước, một trong những trường đại học lớn, hiện đại, có uy tín trong khu vực và cả nước về quy mô phát triển và chất lượng giáo dục, đào tạo.

GS-TS. Lê Đình Viên