Đâu là giải pháp giúp cho một bộ phận sinh viên và giới trẻ có cuộc sống lạc quan tích cực, có động cơ, thái độ học tập đúng đắn để vào đời được tốt hơn?

DLA
PV Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp Trường ĐH KTCN Long An: Thưa Thầy Xuân (Ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trường ĐH KTCN Long An), với kinh nghiệm tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong học tập cũng như trong công tác, xin Thầy cho ý kiến về vấn đề nêu trên?
PV Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp Trường ĐH KTCN Long An: Thưa Thầy Xuân (Ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trường ĐH KTCN Long An), với kinh nghiệm tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong học tập cũng như trong công tác, xin Thầy cho ý kiến về vấn đề nêu trên?

Thầy Xuân nói:

Sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung, thời kỳ nào cũng vậy, chiến tranh cũng như hòa bình, họ đều đóng vai trò xung kích, là lực lượng chủ lực làm thay đổi xã hội, đóng góp lớn cho cuộc sống cộng đồng. Sức mạnh ấy có được phát huy đúng mức hay không, có phục vụ đúng hướng, tích cực giúp xã hội tiến lên, giúp cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn không là do họ có được định hướng, lãnh đạo đúng đắn hay không. Anh cũng biết suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lực lượng học sinh, sinh viên, lực lượng thanh niên đô thị đã đấu tranh rất quyết liệt trên mọi mặt trận từ văn hóa, chính trị cho đến ngoại giao, quân sự…

Học sinh Cao Thắng, Đức Trí, Huỳnh Khương Ninh, Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An, … sinh viên Luật, Văn khoa, Y- dược, Trung tâm Kỹ thuật Phú Thọ và nhiều trường khác nữa đã cùng với lực lượng thanh niên đô thị bãi khóa đấu tranh chống bắt lính đôn quân, chống chế độ lao tù khắc nghiệt, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, họ bí mật tham gia lực lượng vũ trang để đánh phá cơ sở quân sự của Mỹ - Ngụy gây cho địch nhiều tổn thất lớn.

Lực lượng trẻ này cũng tham gia dân công hỏa tuyến vận tải súng đạn, sửa chữa cầu đường, tiếp tế lương thực cho lực lượng kháng chiến. Họ đã đóng góp chiến công to lớn và hy sinh tuổi trẻ tươi đẹp của mình một cách tự nguyện. Mười ba cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc hay 5 nam và 27 nữ thanh niên dân công tiền tuyến xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh đã hy sinh dưới làn đạn đại liên của trực thăng Mỹ đêm 15 tháng 6 năm Mậu Thân 1968 chỉ là những vụ tiêu biểu cho hàng ngàn hy sinh thầm lặng của họ đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước năm 1975.

Trong thời bình, học sinh sinh viên và thanh niên cũng đóng góp công sức rất lớn trong phong trào học tập và lao động. Ai đã trải qua sinh hoạt Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh đều biết. Thanh niên sinh hoạt trong Hội Liên hiệp Thanh niên nhất là lực lượng trai trẻ đã tham gia thanh niên xung phong xây dựng đất nước sau ngày 30.4.1975 đều biết những đóng góp hết sức to lớn của lực lượng này, trên lĩnh vực khai hoang, vỡ hóa, đào kênh thủy lợi, làm đường, làm cầu, xây dựng hạ tầng kinh tế cho nông thôn, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước sau hòa bình.

Ưu điểm nổi bật của giới trẻ là:

Sức khỏe dồi dào; nhiệt tình; năng động; trí tuệ minh mẫn;

Tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật;

Nhạy cảm, nhạy bén với cái mới lạ.

Đó là xét về mặt tích cực, đó là nhìn nhận số đông. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên nam, nữ có lối sống dễ dãi, thực dụng, thích hưởng thụ, sống theo trào lưu, theo thời trang, làm theo thần tượng, không coi trọng chuẩn mực lễ giáo cũ như trung, hiếu, tiết, nghĩa, liêm, chính, chân thực, công bằng …

Thích loại tự do phóng túng, không muốn bị gò bó trong khuôn khổ của tổ chức, của kỷ cương, kỷ luật.

Hành động theo khuynh hướng vì cá nhân (vị kỷ).

Thiếu chia sẻ, thiếu quan tâm đến người xung quanh…

- Hành xử theo kiểu “mạnh được yếu thua”, “khôn nhờ dại chịu” coi nhẹ lẽ công bằng, tính ngay thẳng do vậy anh em sát hại nhau, con cháu đánh đập thậm chí giết cha, mẹ, ông bà để thỏa mãn yêu cầu cá nhân mình. Do đó, thường thấy học sinh trung học, nam lẫn nữ hay đánh nhau tàn nhẫn trước cái nhìn vô cảm của người ngoài cuộc (dù là học cùng lớp, cùng trường).

Đặc điểm cơ bản của nhóm học sinh, sinh viên, bộ phận thanh niên này là:

Thiếu lý tưởng sống;

Thiếu động cơ, cảm hứng trong học tập, lao động;

Tìm mọi cách để thủ lợi theo cách mạnh được yếu thua.

Dẫu sao đó chỉ là thiểu số; đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Có các nguyên nhân (Thầy Xuân nói tiếp):

Nguyên nhân từ trong mỗi người;

Nguyên nhân từ gia đình;

Nguyên nhân từ nhà trường;

Nguyên nhân từ xã hội.

Cũng có thể chia nguyên nhân thành hai nhóm:

Nguyên nhân chủ quan từ mỗi cá nhân;

Nguyên nhân khách quan từ bên ngoài tác động.

Tùy theo góc nhìn mà mỗi người có cách đánh giá khác nhau về mỗi loại nguyên nhân.

Trước hết, mỗi cá nhân đều có những tố chất khác nhau. Người khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhạy thuận lợi hơn người sức khỏe kém, chậm hiểu biết, thiếu năng động nên trong học tập, trong lao động, trong vui chơi văn nghệ đều thiệt thòi hơn. Từ đó cũng có thể nói mỗi cá nhân chịu trách nhiệm chính về thành công hay thất bại của bản thân mình. Các tác nhân bên ngoài góp phần quan trọng như nền nếp sinh hoạt, phương pháp giáo dục, truyền thống đạo đức của gia đình góp phần tạo nên nhân cách con người trong gia đình đó.

Ở độ tuổi đi học, phần lớn thời gian con em chúng ta gắn bó với nhà trường, với nội dung giảng dạy tại lớp học. Nhân cách, lối sống của thầy cô giáo ảnh hưởng rất lớn đối với độ tuổi phổ thông - lứa tuổi làm theo, học theo người gần gũi, sống theo thần tượng. Do vậy, ở lứa tuổi này giáo dục nhà trường quyết định rất lớn đến tính cách người học. Sau cùng ảnh hưởng của xã hội tác động đến mỗi cá nhân. Môi trường xã hội tốt, văn hóa lành mạnh, cán bộ, công chức, người lớn nêu gương tốt, thông tin truyền thông vinh danh cái đúng, phê phán cái sai, công lý bênh vực lẽ phải, trừng trị cái xấu, điều ác thì giới trẻ sẽ noi theo tấm gương của cán bộ, công chức, của người lớn gương mẫu. Ngược lại, thì mọi người đều biết “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn” thôi!

data

 

Đâu là giải pháp?

1. Đối với cá nhân mỗi sinh viên, mỗi đối tượng trẻ:

Gợi mở lòng tự trọng, năng lực nội tại của từng người để phát huy mặt mạnh, bù trừ mặt yếu.

Tạo dựng lòng tự tin bằng cách so sánh với người kém hơn mình, kể cả với một vài người cá biệt như khuyết tật để thấy cơ thể ta khỏe mạnh, trí tuệ, minh mẫn, ta đủ sức làm những việc bình thường như mọi người khác. Ví dụ: người chỉ còn 1 tay vẫn chơi đàn ghi-ta được, ta còn cả hai tay sao không chơi đàn được?

Gợi mở trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội.

Học văn hóa phổ thông để có hiểu biết thông thường các mặt trong xã hội;

Học chuyên môn để làm một nghề sinh sống;

Nhất nghệ tinh - Nhất thân vinh;

Chức vụ chỉ là tạm thời, nghề nghiệp mới bền vững;

Các chính khách Âu Mỹ thường là doanh nhân là chuyên viên của một ngành nghề nào đó. Họ tự làm giàu, tự nuôi sống nên việc từ chức rất nhẹ nhàng, trở thành văn hóa từ chức. Ngược lại, ở nước ta có người bám vào chức vụ, bổng lộc để sống, thậm chí để truyền cho con cháu nên rất khó từ chức. Thấy được trách nhiệm phải học để nuôi sống bản thân, trả ơn cho gia đình, cho xã hội người trẻ dần dần có được động cơ học tập đúng đắn, thái độ học tập nghiêm túc, có lối sống lành mạnh: học tập, làm việc, giải trí hài hòa, điều độ.

2. Vai trò của cha, mẹ, ông bà, anh chị trong gia đình:

Động viên, chia sẻ kịp thời những lúc khó khăn của người trẻ;

Không quá cầu mong, áp đặt chỉ tiêu đối với học sinh, sinh viên, với người trẻ mà cần giải thích, vận động nêu gương cho họ tự nhận thấy trách nhiệm, thấy khả năng thực hiện công việc vừa sức với họ;

Tạo điều kiện, giúp đỡ để họ tự học; tự chọn ngành nghề;

Nhớ tấm gương Bác Trần Văn Giàu, nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động. Lúc đi Pháp du học (1928), Bác hứa sẽ lấy 2 bằng tiến sĩ khi trở về nước nhưng vì tham gia đấu tranh đòi bỏ án tử hình cho 13 nghĩa sĩ Yên Bái nên Bác bị chính phủ Pháp trục xuất về Việt Nam (tháng 6 - 1930), không thực hiện được lời hứa với gia đình nhưng gia đình không trách mà động viên Bác: con còn trẻ, còn cơ hội học tập lo gì! Nhờ thế mấy năm sau Bác lại sang Pháp rồi sang Liên Xô học tại Đại học Đông Phương (1932) và tốt nghiệp thủ khoa trở thành chính khách: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (1945), Giám đốc nhà Thông tin - Tuyên truyền tại chiến khu Việt Bắc (1946- 1950), Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân …

Gia đình nêu gương tốt, nhắc nhở truyền thống tốt đẹp để khích lệ, động viên người trẻ có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

3. Vai trò của trường học:

Thực hiện nghiêm túc yêu cầu của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

“Trường ra trường, lớp ra lớp;

Thầy ra thầy, trò ra trò”.

Trường học là nơi có tôn ti trật tự, có nội quy sinh hoạt, học tập cụ thể, rõ ràng, thưởng phạt công minh;

Xử lý nặng để chấm dứt hẳn nạn “mua bằng, bán điểm”, chấm dứt mọi trò gian lận trong kiểm tra đánh giá quá trình đào tạo và thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào các đại học danh giá (phát hiện 222 thí sinh gian lận điểm thi của ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang; điểm thêm từ 0.5- 9.5 điểm/ 1 bài - Vụ gian lận thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018, 32 nghi phạm bị khởi tố).

Thầy ra thầy, trò ra trò: thân thiện, gần gũi trong giảng dạy không có nghĩa là thầy trò xem nhau như bạn, thậm chí là bạn nhậu, bạn giải trí! Phải có kỷ cương, trên dưới rõ ràng. Nhà trường phải thực hiện “Tiên học lễ, hậu học văn” thực chất. Phải rèn luyện tính kỷ luật trong học tập, trong giao tiếp. Phải thực hành lễ phép: trình, thưa, vâng, dạ, cảm ơn, xin lỗi thành nền nếp.

Quản lý, điều hành trường học phải khác với quản lý một cơ sở hoạt động kinh tế. Doanh thu là phương tiện để duy trì hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội mới là mục tiêu chính của trường học. “Sản phẩm” của trường học là con người có văn hóa, có chuyên môn, có kỹ năng làm việc, có lòng tự trọng, tự tin để tự lập và hòa nhập vào cộng đồng.

Hơn nơi nào hết cán bộ giảng viên nhà trường phải gương mẫu trong lối sống, nhiệt tình, trung thực, trách nhiệm trong công việc để học sinh, sinh viên noi theo. Mô phạm là khuôn mẫu để làm theo. Nhà mô phạm, người thầy giáo, người làm mẫu mực để học trò làm theo.

Việc giảng dạy, việc học tập phải đảm bảo chất lượng.

Việc kiểm tra đánh giá quá trình đào tạo phải nghiêm túc, công bằng, tránh dễ dãi, xuề xòa. Chăm chỉ, chuyên cần học tập thì được điểm tốt, đủ điều kiện ra trường, ngược lại lười nhác, không học hành nghiêm túc thì phải học lại, thậm chí phải chấp nhận nghỉ học chứ không thể chạy điểm, thi lại nhiều lần.

Trách nhiệm nhà trường là tạo điều kiện tốt để giúp sinh viên học tập hiệu quả chứ không phải sinh viên cứ đóng đủ học phí thì phải được nhận bằng. Phải xóa bỏ suy nghĩ lệch lạc này trong tư tưởng của sinh viên ngay những ngày đầu tiên đến trường.

Thực dạy, thực học, kết quả theo thực lực không chạy theo chỉ tiêu. Trước giải phóng, thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, tỷ lệ tốt nghiệp Tú tài toàn phần (Phổ thông trung học ngày nay) chỉ đạt 35 - 40% ; bằng Tú tài do Bộ Quốc gia giáo dục cấp.

Việc giảng dạy, học tập được tổ chức nghiêm túc, thực chất như vậy dần dần tạo nên ý thức phải học tập chuyên cần trong sinh viên. Phong trào hỗ trợ học tập, thi đua học tập lành mạnh được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, được phòng công tác học sinh sinh viên, giáo viên chủ nhiệm tổ chức, lãnh đạo giúp chấn chỉnh động cơ học tập, thái độ học tập của sinh viên mỗi ngày tốt hơn.

Cao nhất là khơi gợi được cảm hứng học tập, từ những câu chuyện nêu gương vượt khó trong học tập để chuyển hóa tính chây lười của học sinh, sinh viên.

Nhất thiết phải có phòng công tác học sinh sinh viên để tổ chức tốt phong trào văn thể mỹ, tổ chức các câu lạc bộ hỗ trợ giúp sinh viên trong sinh hoạt và học tập được tốt hơn.

4. Vai trò của xã hội giúp khắc phục hiện tượng sinh viên và giới trẻ thiếu động lực, thiếu cảm hứng học tập và lao động:

Môi trường lý tưởng là một xã hội dân chủ, công bằng, minh bạch, tiến bộ. Sống trong môi trường xã hội như vậy, người sinh viên, người trẻ hấp thụ cách nhìn nhận trung thực, công bằng, tốt xấu rạch ròi: học tập chuyên cần, rèn luyện kỹ năng lao động tốt thì có được việc làm với mức lương thỏa đáng chớ không phải do quen biết, lót tay nhiều tiền mà được chỗ tốt.

Một xã hội không có tham nhũng, không có hối lộ mới tạo được niềm tin trong giới trẻ, là điều kiện để họ xác định động cơ, thái độ học tập tốt hơn.

Công luận, truyền thông phải công minh, vinh danh điều tốt, nghiêm khắc lên án điều xấu, điều ác, kẻ vô cảm, người bất nhân.

Không thể chấp nhận cho tồn tại loại công chức trong hệ thống chính trị Nhà nước lãnh lương từ tiền thuế của dân mà thiếu trách nhiệm trong công tác dẫn đến oan sai xử án; chết người khi điều trị bệnh; gian lận trong tổ chức thi cử; ngang nhiên bao che cho con em vào làm việc bằng những quyết định vội vàng trước lúc về hưu …

Càng không thể chấp nhận hạng công chức tham ô xây villa, biệt phủ, ngồi ghế nạm ngọc phết vàng, sở hữu tài sản không chứng minh được nguồn gốc; loại công chức tự ban truyền bổng lộc, chức tước cho con cháu, cho thân nhân bất chấp luật lệ Nhà nước.

Chấm dứt đề cao quá mức “siêu sao”, “công tử”, “đại gia” với siêu xe, biệt phủ, trang sức tính bằng tiền tỷ. Những việc làm của truyền thông lệch lạc như vậy làm cho khoảng cách giàu nghèo càng tăng, bất công xã hội càng lớn, gây mất niềm tin, bất mãn cho giới trẻ. Học y, học dược sáu bảy năm gian khổ đủ điều, ra trường không có chỗ làm, làm không có lương, chờ phân công. Trong khi có những người tài năng chưa phải là thực chất nhưng nhờ kỹ nghệ lăng xê của hạng bầu sô lão luyện, trong thời gian ngắn trờ thành “sao” với cát-sê mỗi sô diễn hàng chục triệu. Một xã hội công bằng, tiến bộ không thể có hiện tượng đó.

Quan không ra quan, thầy không ra thầy, xã hội đề cao vật chất, thương mại hóa mọi hoạt động thì giới trẻ biết noi gương ai, học ai? Phải chăng vì vậy mà giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Tụy cho rằng, đây không phải vấn đề riêng ngành giáo dục mà lỗi từ hệ thống, từ cơ chế, từ thiết chế cơ bản.

Cán bộ, đảng viên là nhân tố tiên phong trong quần chúng, tổ chức của Đảng là trong sạch vững mạnh mà cán bộ, đảng viên cao cấp cứ phải ra tòa lãnh án tù thì giới trẻ biết tin ai?

Do vậy, người lớn phải sửa mình, phải sám hối, phải thay đổi tư duy và hành động, phải sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như Bác Hồ vẫn dạy thì mới nêu gương được cho giới trẻ.

Người xưa nói : “Trách mình trước, trách người sau” như vậy muốn chấn chỉnh lệch lạc biếng học, lười lao động, thiếu trách nhiệm với bản thân của một bộ phận sinh viên và giới trẻ phải cải thiện môi trường xã hội, nhà trường, gia đình và tự cải thiện bản thân của từng sinh viên, từng người trẻ để có lối sống lạc quan, tích cực, có thái độ học tập tốt hơn, chuẩn bị vào đời, hòa nhập cộng đồng thuận lợi hơn.

PV Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp Trường ĐH KTCN Long An: Rất cảm ơn thầy đã phân tích và chia sẻ với tinh thần trách nhiệm để giúp cho sinh viên trường chúng ta đang công tác và giới trẻ nói chung có được nhận thức tốt hơn trong việc xác định động cơ, thái độ học tập và lao động.

 

ĐẶNG THÀNH QUAN

Thư ký HĐKH & ĐT

(Cộng tác viên Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp)