Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

DLA

Căn cứ tại Điều 2, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác.

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

data

 

Các hành vi bị nghiêm cấm 

Điều 5, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo bao gồm: 

- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Phân biệt đối xử là hành vi tạo ra sự phân biệt một cách sai trái giữa những con người với nhau dựa trên đặc điểm của nhóm, tầng lớp xã hội hay các đặc điểm xã hội khác.

Kỳ thị là sự phân biệt đối xử đối với một nhóm người, một địa điểm hoặc một quốc gia có thể xác định được. Sự kỳ thị làm tổn thương tất cả mọi người bằng cách tạo thêm sự sợ hãi hoặc tức giận, thay vì tập trung vào giải quyết vấn đề đang xảy ra.

- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

Tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những nét đẹp văn hoá của Việt Nam, là đời sống tâm linh của con người. Do vậy, hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo là hành vi bị cấm. 

- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Như vậy, việc theo hay không theo tín ngưỡng hoặc tôn giáo nào là quyền tự do của mỗi cá nhân, mỗi công dân Việt Nam được Hiến pháp 2013 thừa nhận. Đồng thời, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng đã được cụ thể hóa bằng những quy định rõ ràng trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18-11-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018.

Xem thêm về Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-tin-nguong-ton-giao-2016-322934.aspx

Ban Tuyên giáo

Đoàn trường ĐH KTCN Long An