Phòng, chống cháy nổ trong mùa hanh khô

DLA

Mùa khô đang đến, với thời tiết nắng nóng, oi bức là điều kiện thuận lợi để những đám cháy dễ dàng phát sinh; đặc biệt là khi chúng ta lơ là, thiếu quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Thời gian gần đây, trên toàn quốc thường xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả đáng tiếc. Việc mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy vẫn đang là vấn đề nhức nhối, nhất là khi đang bước vào mùa khô nên nguy cơ cháy rất cao và hiểm họa này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kể ở đâu.

data

 

Ngày nay các trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nhiều phương tiện tiên tiến để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Nhiều trường học còn phân rõ các khu học tập, khu bếp, căng tin, nhà kho, khu để xe, với sự tập trung của số lượng lớn giáo viên, học sinh, nhân viên phục vụ…, tạo ra một cộng đồng quy mô mà nếu không may xảy ra hỏa hoạn sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về tính mạng con người và tài sản, cơ sở vật chất của trường.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây cháy trường học:

1. Nguyên nhân gây cháy khu vực hội trường, phòng học

+ Các chất cháy chủ yếu ở đây là bàn, ghế, chúng đều là chất dễ cháy, được phân bố trải dài trên nền và như vậy nguy hiểm cháy lan là rất lớn.

+ Nguồn nhiệt gây cháy được hình thành từ sự cố hệ thống điện (ngắn mạch, quá tải) từ các thiết bị tiêu thụ điện như thiết bị chiếu sáng trên trần nhà, hệ thống quạt và điều hòa, màn chiếu,…

+ Do vi phạm quy định an toàn khi sử dụng điện, sử dụng lửa trần như hút thuốc trong hội trường, giảng đường, phòng học…

2. Nguyên nhân gây cháy phòng máy tính

+ Do sự cố kỹ thuật các thiết bị máy tính, điều hoà nhiệt độ, hệ thống thiết bị điện trong phòng máy tính làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.

+ Do quá tải, ngắn mạch trên hệ thống đường dây dẫn điện.

+ Do người sử dụng, bảo quản có những sai sót trong thao tác vận hành làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.

+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội…+ Do vi phạm quy định về PCCC, thiếu thiết bị phòng cháy chữa cháy như sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong phòng máy tính.

3. Nguyên nhân gây cháy thư viện

+ Do vi phạm quy định về thiết bị PCCC như đun nấu, hút thuốc trong thư viện.

+ Do sơ suất trong sử dụng điện. Nhân viên thư viện, người đọc đã sử dụng không đúng các thiết bị điện làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.

+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội như trộm, cắp trong thư viện rồi đốt…

4. Nguyên nhân gây cháy khu vực ký túc xá của sinh viên

+ Do vi phạm các quy định PCCC trong ăn, ở, sinh hoạt tại ký túc xá. Trong ký túc xá, có thể xảy ra vi phạm quy định về PCCC như trong sử dụng thiết bị điện (đun, nấu, dùng chao đèn điện bằng giấy…).

+ Do sự cố thiết bị điện (máy tính, sạc điện thoại, quạt máy…) và các thiết bị tiêu thụ điện này đều có thể xảy ra sự cố làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.

+ Do sơ xuất sử dụng chất cháy. Chất cháy trong ký túc xá của sinh viên có nhiều loại khác nhau trong đó có những loại có tính nguy hiểm cháy cao như xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong quá trình sinh hoạt, nếu sơ xuất có thể dẫn đến xảy ra cháy.+ Do thiếu kiến thức PCCC. Hầu hết sinh viên hiện nay đều không được trang bị kiến thức về nguy hiểm cháy, nổ và các giải pháp phòng ngừa.

5. Nguyên nhân gây cháy khu vực bếp ăn, căng tin

Khu bếp ăn dùng để nấu ăn tập thể cho cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường. Ở khu vực này thường xuyên tồn chứa lượng chất cháy lớn như khí dầu mỏ hóa lỏng, nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sinh hoạt và hầu hết đều là chất dễ cháy. Trong quá trình sử dụng ngọn lửa trần do đun nấu, sự cố thiết bị điện đều có thể làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Bên cạnh đó, ở vị trí bếp đun, do dầu, mỡ bám dính lên tường, hút mùi trở thành con đường lan truyền của ngọn lửa gây cháy lan nhanh chóng.

6. Nguyên nhân gây cháy nhà xe

Khu vực nhà xe thường có ở các trường phục vụ việc để các loại phương tiện đi lại của giảng viên, sinh viên. Lượng xe nhiều đồng nghĩa với nguy hiểm cháy nổ cao bởi trong xe chứa lượng nhiên liệu là chất dễ cháy và bên cạnh đó phần nhựa trên xe cũng là chất dễ cháy. Nguồn nhiệt hình thành trong nhà xe có thể do hút thuốc, do sự cố điện trên các xe hoặc sự cố hệ thống điện chiếu sáng, bảo vệ gây cháy. Khi có cháy xảy ra hầu hết các xe trong ga ra đều bị bắt cháy, tốc độ cháy lan lớn do đường ống dẫn nhiên liệu của xe bằng nhựa bắt cháy.

Các biện pháp chữa cháy trong trường học

Khi chữa cháy cần chú ý:

- Đảm bảo an toàn cho người tham gia chữa cháy

- Ngắt điện khu vực xảy ra cháy.

- Sử dụng các phương tiện chữa cháy, bảo hộ hiện có tại cơ sở; đặc biệt là hệ thống chữa cháy được lắp đặt tại cơ sở.

- Thông báo cho mọi người biết có cháy xảy ra. Báo cháy 114.

- Người được giao nhiệm vụ ngăn chặn cháy lan và thoát khói sẽ sử dụng những thiết bị cần thiết (thiết bị thở trong môi trường đám cháy, búa, rìu phá dỡ…) và chọn những vị trí hợp lý trên cơ sở hướng gió để phá dỡ cấu kiện xây dựng nhằm thoát khói. Sử dụng tia nước đặc từ các lăng chữa cháy để ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy, kết hợp phun mưa để làm mát chiến sỹ trực tiếp đứng chữa cháy và làm mát cấu kiện xây dựng.

- Khi tham gia chữa cháy cần phải chú ý không gây cản trở đến quá trình thoát nạn. Việc triển khai các đội hình chữa cháy có thể được thực hiện qua các cầu thang bộ hở hoặc triển khai ngoài nhà qua ban công.

Các biện pháp kỹ thuật an toàn:

- Hướng dẫn mọi người thoát nạn an toàn. Cần lưu ý hướng dẫn mọi người di chuyển từ tầng trên xuống dưới, tập kết mọi người thành khối cán bộ, giáo viên, lớp học sinh, sinh viên. Trong trường hợp khẩn cấp không thoát được theo cầu thang thì hướng dẫn thoát ra các lối ra ban công, ra mái và thông báo mọi người biết để ứng cứu.

- Thực hiện công tác cứu người bị nạn như cấp cứu người bị nạn.

- Lực lượng PCCC cơ sở phải tổ chức triển khai phương tiện chữa cháy đã được trang bị.

- Sử dụng bình chữa cháy để dập cháy. Bình chữa cháy được phân bố rải rác trên khắp diện tích trường học. Khi phát hiện có cháy xảy ra, cán bộ, giáo viên đều phải chủ động lấy bình dập tắt đám cháy.

- Sử dụng nước để chữa cháy. Triển khai các họng nước chữa cháy (nếu có) tấn công dập tắt ngọn lửa, ngăn chặn cháy lan. Lưy ý, chỉ triển khai nước chữa cháy khi đảm bảo rằng hệ thống điện đã được ngắt và trong trường hợp phòng máy tính, thư viện không còn phương tiện bình chữa cháy để dập cháy.

- Dùng chăn chữa cháy để dập cháy phủ kín toàn bộ diện tích đám cháy và miết kín xung quanh.

 

Xem thêm về Luật Phòng cháy, chữa cháy tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-phong-chay-chua-chay-sua-doi-2013-215841.aspx

 

Ban Truyền thông