HÀNH TRANG CHO SỰ THÀNH CÔNG

DLA

Bạn là một sinh viên năm nhất? Bạn là một sinh viên năm cuối? Hay là một sinh viên đã tốt nghiệp? Bạn đã chuẩn bị cho mình hành trang để trở thành một doanh nhân thành đạt chưa? Và hành trang ấy là gì? Những gợi ý dưới đây sẽ phần nào gợi ý cho bạn.

Để trở thành một doanh nhân thành đạt, họ đều sở hữu những đặt điểm chung sau:

- Ý thức Kỷ luật

Để có thể tự làm chủ bản thân, bạn sẽ cần tính kỷ luật để thiết lập khung giờ làm việc, đáp ứng thời hạn, theo đuổi các khách hàng mới và tránh khỏi những cám dỗ ví dụ như chiếc tivi của bạn.

- Tính Tiết kiệm

Để tránh khỏi cảnh phá sản khi doanh nghiệp của bạn vừa mới hoạt động hay trong những thời điểm khó khăn, đôi khi bạn phải sẵn sàng cắt giảm hoặc thậm chí từ bỏ thói quen chi tiêu cũ. Khả năng tự chủ về tài chính cần là ưu tiên hàng đầu, quan trọng hơn rất nhiều so với việc mua những bộ cánh mới hay những đồ vật đắt tiền khác. Hơn nữa, việc tiết kiệm là một cách hữu ích không chỉ trong những tháng kinh doanh chậm mà còn trong những tháng phát đạt bởi nó đem lại cho cá nhân bạn một khoản tiết kiệm dự phòng cho trường hợp doanh nghiệp của bạn không tạo ra thu nhập.

- Tự tin vào bản thân

Để có thể thành công trong công việc kinh doanh, bạn phải cảm thấy tự tin vào chính mình. Nếu bạn không tin tưởng rằng bạn là một trong số những người giỏi nhất, thì những người khác cũng sẽ nghĩ như vậy. Dẫn đến việc kinh doanh khó mà thuận lợi như mong muốn. Thế nên, bạn cần phải sẵn sàng để “quảng bá” bản thân mình và sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào có thể.

- Kỹ năng giao tiếp tốt

Trên thực tế, không phải lúc nào khách hàng cũng thể hiện rõ ràng những mong muốn của họ. Thay vì chỉ ngồi một chỗ suy đoán những nhu cầu của họ, bạn nên đặt ra thật nhiều câu hỏi cho họ. Ngoài ra, việc yêu cầu thông tin phản hồi trong và sau khi điều tra để đảm bảo rằng bạn đã đáp ứng được những mong đợi của khách hàng cũng là một ý kiến không tồi.

- Sự khiêm tốn

Ít ai mong đợi sự hoàn hảo ở bạn, nhưng nếu như bạn không thể thú nhận và xin lỗi mỗi khi phạm sai lầm, bạn sẽ đánh mất sự tin tưởng của họ.

- Sự trung thực và chính trực

Khi bạn tự mở một doanh nghiệp, danh tiếng của bạn là hết sức quan trọng. Không giống như khi còn đi làm thuê, sẽ không có một công ty nào đứng ra chống lưng hay bù đắp lỗi lầm của những nhân viên chưa tốt. Bạn vừa là người nhân viên vừa là chủ doanh nghiệp, do vậy, tất cả những thứ bạn làm cần phản ảnh chân thực bộ mặt của công ty bạn.

- Kỹ năng lưu trữ tuyệt vời

Việc xác định được khi nào xuất hoá đơn, khi nào được thanh toán, ai đang thiếu nợ, doanh nghiệp của bạn có bao nhiều tiền, bạn đã kiếm được bao nhiều tiền và còn cần kiếm thêm bao nhiêu nữa là vô cùng quan trọng. Những ghi chép chính xác và chi tiết là thiết yếu đối với tình hình tài chính cuả doanh nghiệp mà bạn sở hữu và chúng cũng không thể thiếu đối với việc tính thuế.

- Động lực

Bạn sẽ không thể trở thành một nhà kinh doanh thành công nếu chỉ ngồi nhà và xem tivi cả ngày. Ngay cả khi bạn có một ngày để nghỉ ngơi thì cũng đừng để công việc bị trì hoãn cho đến phút cuối cùng. Tốt hơn là bạn nên cố gắng hoàn thành mọi công việc nhanh nhất có thể bởi bạn không thể nói trước được điều gì khi công việc trở nên trì trệ. Ngoài ra, bạn hãy lên kế hoạch để hoàn thành tất cả công việc sớm hơn dự định thay hoàn thành chúng vào đúng hạn chót. Bởi bạn càng sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao thì bạn sẽ có thể nhanh chóng chuyển sang nhiệm vụ khác, đồng nghĩa với việc bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Hoàn thành công việc trước hạn chót còn giúp tạo dựng niềm tin với khách hàng, điều vô cùng cần thiết trong kinh doanh. Ngược lại, quá hạn chót tất nhiên là một điều không thể chấp nhận được, ngoại trừ trong các trường hợp cực kì đặc biệt.

- Sự linh hoạt

Sẽ có những lúc bạn trở nên bận rộn và bỗng chốc ngập ngụa trong công việc. Vì vậy, bạn cần linh hoạt trong cách thu xếp cả việc công và việc tư để đáp ứng kịp thời yêu cầu khách hàng.

- Khả năng đặt ra những giới hạn

Dù việc duy trì sự linh hoạt là một việc nên làm, bạn cũng cần đặt ra những giới hạn và mục tiêu thực tế đối với khách hàng của mình. Những giới hạn này không chỉ được đặt ra một cách rõ ràng mà hãy biến chúng trở thành những quy tắc ứng xử để người khác biết cách làm việc của bạn. Ví dụ như, không nghe điện thoại hay trả lời thư điện tử sau giờ làm việc, từ chối những deadline từ trên trời rơi xuống và những công việc vượt quá khả năng của bạn và đừng để khách hàng thương lượng giá cả cũng như từ chối thanh toán sau khi công việc được hoàn thành.

- Chăm sóc sức khỏe

Khi tự đứng ra kinh doanh, bạn sẽ không được hưởng tiền trợ cấp ốm đau, nên bạn sẽ phải làm việc ngay cả khi đang ốm để bù đắp cho khoảng thời gian sau đó, bằng không sẽ phải chấp nhận thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, bạn còn phải tự túc trong chi phí bảo hiểm sức khỏe bao gồm cho cả vợ/chồng và con cái của bạn.

- Khả năng cân bằng

Đối với kiểu người của công việc, làm việc tại nhà nghĩa là không biết đến điểm dừng và những giờ nghỉ giải lao. Còn đối với những người ưa thích nghỉ ngơi, đó là một thách thức ngang ngửa khi phải rời chiếc giường êm ái và bắt đầu công việc. Dù thuộc tuýp người nào, bạn phải có sự tự chủ trong công việc và bước ra khỏi giới hạn của chính mình để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

- Sự lạc quan

Không phải lúc nào bạn cũng ngập đầu trong công việc hay có được mọi khách hàng mình muốn đâu. Bạn cần theo đuổi công việc một cách lâu dài, duy trì sự duy lạc quan và đừng vội nản lòng trước những lời từ chối từ khách hàng. Nếu không, bạn sẽ sớm phải quay về cảnh làm công ăn lương thôi!

Và điều quan trọng không kém là tính cách con người có sự ảnh hưởng không nhỏ trên bước đường trở thành một doanh nhân thành đạt. Vì thế, trước khi bạn chấp nhận những rủi ro liên quan đến tài chính và sự nghiệp, trước tiên bạn cần đánh giá được ưu nhược điểm trong tính cách của mình trong vai trò là một doanh nhân trước khi quyết định dấn thân vào con đường chông gai này. Chúc các bạn thành công.

Phòng Tuyển sinh