Sứ mệnh của nhà giáo trong thời đại mới

DLA

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đặt ra yêu cầu khách quan và cấp bách cho ngành giáo dục (GD). Ngành GD phải nhanh chóng thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với mục tiêu đào tạo sản phẩm con người có tư duy năng động, sáng tạo, phẩm chất nhân ái để sống tốt trong thế giới phẳng, thích nghi với nền kinh tế tri thức, xã hội thông minh sẵn sàng làm một công dân của toàn cầu.
Không sai khi nói rằng con người là sản phẩm của GD. GD có mục tiêu nội dung và phương thức đào tạo như thế nào sẽ cho ra sản phẩm con người như thế đó. Nội hàm chủ yếu của GD chính là công việc dạy và học. Người thầy "Mô phạm" theo quan niệm xưa và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những phẩm chất cao quý luôn tận tụy, mẫu mực, truyền thụ tốt kiến thức cho trò bằng cả tình thương, trách nhiệm chan chứa trong từng lời khuyên, bài giảng để đào tạo ra lớp học trò có năng lực, phẩm chất của người hiền tài biết sử dụng tri thức của mình bằng hành động thực tiễn để giúp đời, giúp người. "Lương sư" sẽ "hưng quốc" là tất yếu. Điều nầy khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của người thầy trong xã hội dù trong mọi thời đại. Người máy(Thầy giáo ảo) và các thiết bị thông minh của công nghệ thông tin (CNTT) không thể thay thế thầy cô bởi nó chỉ là chiếc máy vô tình, nó không thể tổ chức, hướng dẫn, truyền cảm hứng, truyền khát vọng vươn tới, sáng tạo, cống hiến,hoài bảo khởi nghiệp và nó càng không thể sống nhân ái,chan chứa tình thương, trách nhiệm với học trò của mình.
Mục tiêu GD, nội dung, phương pháp sư phạm ngày nay đã tiến một bước dài đòi hỏi người thầy không ngừng tự học tập để làm mới tri thức, đổi mới phương pháp sư phạm thích ứng với thời đại CMCN 4.0. kiến thức, hiểu biết của HSSV không còn nằm trong sách vở nó đã nằm trong internet có thể truy cập bất cứ lúc nào ở mọi nơi bằng phương thức học trưc tuyến. Do vậy HSSV cần lắm các kỹ năng hoạt động trải nghiệm vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua cách học E-Learning kết hợp học trực tiếp trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Vai trò mới của nhà giáo bây giờ phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm tâm huyết luôn dõi theo, thấu hiểu từng tính cách, hoàn cảnh của từng HSSV qua đó đưa ra được những phương pháp giáo dục phù hợp, làm cho học sinh thích học, biết cách học, có thói quen học và học hiệu quả. Chính sự thực dạy của người thầy đã tạo nên sự thực học của người trò. Khi thực dạy hội tục được với sự học sẽ tạo nên sản phẩm con người là hiền tài.

data

Như chúng ta đã biết nhịp độ phát triển của đất nước tùy thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế, của khoa học kỹ thuật. Khoa học kỹ thuật lại phụ thuộc vào nhịp độ phát triển của giáo dục, đào tạo. Nhịp độ phát triển GD&ĐT lại tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Như vậy vai trò , sứ mệnh của nhà giáo vô cùng vẻ vang và đây là lý do xã hội luôn tôn vinh vì sự nghiệp trồng người của nhà giáo có tâm huyết. Tất nhiên trong một tổ chức hay đội ngũ nào cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh" nhất là trong mặt trái thị trường đã làm xấu đi hình ảnh của nhà giáo. Tóm lại, người thầy phải chuẩn bị cho mình có phẩm chất, năng lực vững vàng dẫn dắt HSSV trên con đường khám phá, sáng tạo. Thầy, cô không chỉ thuyết giảng tốt, truyền đạt kiến thức sâu là chưa đủ mà phải có đủ kiến thức về tâm lý học, giáo dục học để có khả năng thấu hiểu từng học sinh; phải có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời khích lệ học sinh, dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường... Dạy học kiểu áp đặt, khuôn mẫu cứng nhắc theo lối cũ, bắt học sinh răm rắp nghe lời, học sinh nào cũng phải giỏi toàn diện các môn, môn nào cũng quan trọng như nhau là cách dạy không theo hứng thú và sự phát triển khác nhau của mỗi học sinh... chắc chắn chúng ta không thu về nguồn nhân lực có chất lượng mới đáp ứng yêu cầu phát triển cho hiện tại và tương lai của đất nước.

Để mỗi học sinh phát triển năng lực, thầy, cô phải nắm vững những "kỹ năng mềm và mở" với từng học sinh có cá tính thậm chí là học sinh cá biệt như: chấp nhận mọi mặt mạnh, yếu của từng học sinh, không được chỉ thích dạy những học sinh khá, giỏi, ngoan, loại trừ học sinh yếu kém, cá tính; khách quan đánh giá học sinh, không được có định kiến cá nhân để trù dập học sinh; cho phép học sinh lựa chọn những phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp, để các em tự giác thay đổi bản thân; biết xây dựng những tập thể học sinh biết tự quản lý, tự giải quyết các công việc, nhu cầu của chính các em; biết gieo nhu cầu để học sinh dần dần thực hiện các yêu cầu giáo dục chứ không thể dùng “mệnh lệnh” để áp đặt các em.

Dạy học dựa trên nhu cầu của người học và biết cách tổ chức để học sinh thực hiện bằng được những nhu cầu bản thân là cả một nghệ thuật. Nó đòi hỏi các nhà giáo phải thật sự tâm huyết, năng động và sáng tạo. Để phát huy nội lực của nhà giáo, các cấp quản lý giáo dục phải tạo ra trong mỗi nhà trường cân xây dưng môi trường văn hóa , làm sao mỗi nhà trường phải tạo được văn hóa phát triển cho nhà giáo phục vụ tốt hơn cho công việc dạy học và tạo nên môi trường thi đua học tâp có chất lượng một cách thực chất, không học vì mục tiêu điểm thi, bằng cấp....

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ làm tốc độ phát triển xã hội ngày một nhanh hơn, con người sẽ được thỏa mãn nhiều nhu cầu tiện ích, nâng chất lượng cuộc sống trong đời sống nhanh hay chậm rất tùy thuộc vào sự chuyển biến, đổi mới tư duy giáo dục cả ở hai tầm vĩ mô và vi mô . Rõ ràng sứ mệnh hay thiên chức của nhà giáo luôn bất biên trong mọi thời đại. Sự thay đổi nếu có là phương pháp giáo dục nhằm nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong tình hình mới, nhiệm vụ mới.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 kính chúc quý thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh thiêng liêng trồng người của mình, gieo hạt giống lành cho thế hệ mai sau trên con đường chinh phục thế giới tri thức rộng mở.

Ban Thông tin