Vật liệu xanh trong Kiến trúc Xây dựng, một xu hướng phát triển không thể thiếu trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay

DLA

PGS-TS Đặng Thị Phương Phi

Phó Hiệu trưởng Trường DLA

Đầu tiên , tôi xin thay mặt Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu đến tham dự hội thảo chuyên đề “Vật liệu xanh trong Kiến trúc Xây dựng” do Khoa Kỹ thuật – Công nghệ tổ chức và cám ơn các công ty, các chuyên gia đang làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước về các tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh và sản xuất vật liệu xanh tham gia hội thảo hôm nay.

PGS.TS Đặng Thị Phương Phi – Phó Hiệu trưởng Trường DLA phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS Đặng Thị Phương Phi – Phó Hiệu trưởng Trường DLA phát biểu khai mạc hội thảo

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong các lĩnh vực được nhà trường quan tâm vì đây là một trong những nhiệm vụ chính của giảng viên. Trong những năm qua, nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều đề tài NCKH cấp cơ sở và cấp tỉnh có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ trong lĩnh vực giảng dạy, học thuật mà có những công trình phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương như đề tài nghiên cứu “Hệ thống tưới tiêu thông minh trên cây thanh long”, nghiên cứu và xây dựng “Hệ thống hỏi đáp thông minh TBT tỉnh Long An”,... Thành tích nghiên cứu của trường bước đầu được ghi nhận qua nhiều giải các cấp, như năm vừa qua, một đề tài nghiên cứu đã đạt giải nhì cấp Bộ. Các khoa đã tích cực triển khai nhiều hội thảo khoa học hoặc chuyên đề, điển hình là chuyên đề hôm nay. Mục tiêu của chuyên đề này nhằm nâng cao hiểu biết cho sinh viên hiểu hơn về các vật liệu xanh trong Kiến trúc Xây dựng và nâng cao nhận thức của sinh viên trong việc bảo vệ môi trường, sức khỏe người sử dụng công trình từ việc ý thức sử dụng các vật liệu xanh để đáp ứng các hệ thống chứng nhận công trình xanh trong thiết kế kiến trúc xây dựng, một xu hướng phát triển không thể thiếu trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Hiện nay, trên thế giới có 7 hệ thống chứng nhận công trình xanh, gồm hệ thống Đánh giá năng lượng của Viện nghiên cứu Công trình Anh Quốc (BREEAM); hệ thống đánh giá Công trình đứng đầu về Thiết kế năng lượng và môi trường Mỹ (LEED); Công trình xếp hạng Ngôi sao Xanh của Úc (Green Star); Công trình xếp hạng Nhãn Xanh của Singapore (Green Mark); Nhãn Công trình xanh – 3 sao của Trung Quốc (Three Star); Tiêu chuẩn Xanh cho thiết kế Năng lượng và Môi trường của Hàn Quốc (G-SEED) và hệ thống LOTOUS của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC).

Về cơ bản, 7 hệ thống chứng nhận công trình xanh tương tự nhau ở các nhóm tiêu chí đánh giá gồm: Phương thức quản lý; Chất lượng môi trường trong công trình; Sử dụng năng lượng; Hạ tầng, phương tiện giao thông trong địa bàn; Sử dụng nước; Sử dụng vật liệu xây dựng; Sử dụng đất và hệ sinh thái; Mức độ ô nhiễm môi trường,...

Và hôm nay, chuyên đề này sẽ cụ thể hơn vào việc nâng cao ý thức sử dụng vật liệu xanh trong thiết kế kiến trúc tại Việt Nam; Thiết kế nhà ở theo tiêu chí xanh; Hệ thống xử lý nước và năng lượng xanh ứng dụng trong công trình dân dựng và nông nghiệp; Hệ thống đánh giá LEED của Mỹ và các vật liệu xanh đến từ các công ty,...

Cuối cùng, tôi xin chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, chúc hội thảo chuyên đề ngày hôm nay thành công tốt đẹp, chúc các em sinh viên có những kiến thức hữu ích là hành trang của các em trong công việc tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn!