Tăng cường trách nhiệm, tuân thủ pháp luật của sinh viên khi tham gia mạng xã hội

DLA

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tạo nền tảng quan trọng cho truyền thông xã hội phát triển. Truyền thông xã hội cũng trở thành môi trường tiềm ẩn đầy rủi ro, ngoài thông tin độc hại, tin giả, các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Cùng với việc thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, sinh viên Học viện Tài chính phải tỉnh táo, có bản lĩnh và có kỹ năng tốt khi tham gia môi trường mạng.

Sức mạnh của mạng xã hội

data

 

Internet vào Việt Nam từ năm 1997, Facebook thực sự sôi động khoảng từ giữa năm 2012 đến nay. Các mạng xã hội (MXH) bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog).

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, MXH là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Nhìn từ góc độ văn hóa - xã hội, MXH là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, MXH có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Các MXH như Facebook, Youtube, Zalo… thu hút lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, MXH cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin hiệu quả. Thông tin được truyền tải vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. MXH tác động làm thay đổi nhiều thói quen cũ và hình thành những biểu hiện mới của tư duy, lối sống, văn hóa… ở một bộ phận khá lớn những người sử dụng.

Ngoài vai trò là một công cụ hiện đại để giải trí, giảm căng thẳng, kết nối với bạn bè và cộng đồng, internet, MXH còn là nguồn tài nguyên và công cụ để hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp của sinh viên.

Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, do yêu cầu giãn cách xã hội, việc học tập tập trung của nhiều trường đại học, cao đẳng chuyển sang hình thức trực tuyến thì việc tham gia môi trường mạng của sinh viên càng lớn. 

Mặt trái của việc sử dụng môi trường mạng

data

MXH đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại tư tưởng. 

Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng hàng ngàn trang MXH vào xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, nhiều trang MXH của bọn phản động trong- ngoài như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”… thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ một cách điên cuồng, mù quáng. Chúng lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng MXH, các thé lực này đã hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân để tạo điều kiện, môi trường thực hiện “cách mạng màu”; đồng thời cổ xúy cho các luận điệu dân chủ, nhân quyền, đòi tự do biểu tình, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... 

data

Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền các cấp, các vụ phức tạp như Đồng Tâm (Hà Nội), ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra ở các tỉnh miền Trung, việc thảo luận dự luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

MXH làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. 

Trong số khoảng hơn 35 triệu người dân Việt Nam sử dụng MXH, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên MXH hoặc sử dụng MXH làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên MXH, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.

MXH đang trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng hoạt động

MXH phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi MXH phát triển thì dòng chảy của những cuộc bá quyền, xâm lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống, các giá trị phương Tây, như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên MXH đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên MXH ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận. Một số vụ việc trên MXH (như BOT giao thông) thu hút số lượng rất lớn người quan tâm, theo dõi, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử.

Với đặc tính ảo, MXH thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng MXH làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác.

Để câu like, tăng view, một số người còn đưa những thông tin sai lệch, giật gân hoặc dựng những video clip nhảm nhí. Một bộ phận sử dụng MXH  để khẳng định cái tôi cá nhân cực đoan, dùng lời lẽ tục tĩu để thóa mạ, chửi bới người không có cùng quan điểm.

Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, nó có nhiều lợi ích nhưng cũng chứa nhiều nội dung xấu, độc. Vì tiện lợi nên mạng xã hội thu hút được nhiều lứa tuổi và đa dạng về mặt nhận thức. Hiện nay lứa tuổi sử dụng mạng xã hội đang ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, nhiều sinh viên chưa đủ nhận thức chín chắn để sàng lọc, kiểm soát thông tin, nên rất dễ bị ảnh hưởng lôi kéo, kích động. Trong khi đó, những thông tin trên mạng chưa được kiểm duyệt, kiểm chứng tạo nên “ma trận thông tin” thật giả, tốt xấu lẫn lộn.

Trách nhiệm của  sinh viên khi tham gia mạng xã hội

data

Đối với sinh viên DLA, tham gia môi trường mạng, cần tuân thủ nghiêm những quy định của Luật An ninh mạng số 86/2015/QH13 ngày 19 tháng 11 năm 2015, Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14  ngày 12 tháng 6 năm 2018 và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.

Mỗi sinh viên tham gia môi trường mạng, cần tự tạo cho mình “sức đề kháng” – tự nâng cao nhận thức, cân nhắc trước khi tiếp nhận thông tin, thận trọng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên MXH. Bởi thông tin trên MXH tốc độ lan truyền nhanh nên một thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội”.

Để đẩy lùi sự tác động tiêu cực, khi tham gia mạng xã hội, sinh viên cần xác định trách nhiệm, sự tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, tích cực đấu tranh với thông tin xấu độc… Cần lưu ý:

Thứ nhất, lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhóm hành vi rất rộng có liên quan đến việc đăng tải, tán phát thông tin về chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông tin xúc phạm đến lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Thứ hai, lưu ý những hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức. Đây là việc người đăng thông tin, hình ảnh của người khác, của tổ chức mà không có sự đồng ý của họ một cách vô tình hay cố ý. Theo pháp luật về dân sự, quyền nhân thân gồm quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, kết hôn, ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp… Các quyền này được pháp luật bảo vệ. 

Thứ ba, lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản, đánh bạc... Sở hữu trí tuệ (có khi được xem là tài sản trí tuệ) là những sản phẩm sáng tạo của con người, như tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp... Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ nên người sử dụng không gian mạng dù vô ý hay cố ý vi phạm cũng là vi phạm pháp luật.

Thứ tư, lưu ý những hành vi vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Sử dụng không gian mạng hiện nay có khá nhiều rủi ro, như bị tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin; bị gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; bị cài và phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; bị xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử… Bản thân người dùng nếu thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết có thể vô tình tiếp tay cho các hành vi kể trên.

Thứ năm, lưu ý việc tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ và các sản phẩm hàng hóa giả, nhái, hàng nhập lậu....

Thứ sáu, lưu ý các nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử về tôn giáo, về giới, về chủng tộc, về vùng miền…

-----------

Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng

Tại Điều 8, khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 , khoản 1 Điều 17 , khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019) quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong an ninh mạng:

1.Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau:

a) Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:

- Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sau;

+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

+ Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

+ Hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.

- Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

- Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép;

- Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

- Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

- Hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật An ninh mạng

Tại Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng như sau:

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Một số quy định trong Nghị định 15/2020 (được ban hành, thay thế Nghị định 174/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử):

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ VN nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1

và 2 điều này.

Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

m) Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

n) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Trích Nghị định 15/2020.

Tổng hợp